Những yếu tố nguy cơ không ngờ của bệnh cao huyết áp

Thực tế, có nhiều người không nhận thấy rằng họ đang có nguy cơ bị cao huyết áp. Đây là những yếu tố nguy cơ hàng đầu được các chuyên gia tim mạch và đột quỵ của Mỹ đưa ra.
Tiền sử gia đình: Nếu bố mẹ hoặc người thân của bạn bị cao huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Tuổi cao: Khi người nào đó có tuổi, họ sẽ tăng nguy cơ bị cao huyết áp và mắc bệnh tim mạch. Điều này là do khi về già mạch máu sẽ giảm độ dẻo dai dẫn tới tăng huyết áp lên hệ tim mạch.
Giới tính: Trước năm 45 tuổi, nam giới dễ bị cao huyết áp hơn nữ giới. Vì trong độ tuổi từ 45- 50 và từ 55-60, nguy cơ cao huyết áp là như nhau với cả hai giới. Nhưng sau năm 64 tuổi, phụ nữ lại có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn nhiều so với nam giới.
Lười vận động: Ngồi nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp. Do đó để chống tăng huyết áp và phòng ngừa các bệnh tim mạch thì bạn nên luyện tập thể dục thường xuyên. Đây là cách tự nhiên giúp giảm huyết áp hiệu quả.
Ăn quá mặn: Muối giữ quá nhiều nước trong cơ thể và có thể làm gia tăng gánh nặng cho tim, tăng nguy cơ bị cao huyết áp. Để giữ huyết áp ở mức bình thường và phòng tránh các bệnh tim mạch thì mỗi người chỉ nên hấp thụ dưới 1500 mg muối mỗi ngày.
Thừa cân hoặc béo phì: Hãy kiểm tra cân nặng. Nếu bạn bị thừa cân thì nên thực hiện chế độ giảm cân ngay vì chỉ cần giảm khoảng 4-9 kg cân nặng đã có thể giúp giảm huyết áp.
Không nên uống quá nhiều rượu: Thường xuyên uống quá nhiều rượu có thể dẫn tới tăng đột ngột huyết áp và cũng có thể dẫn tới suy tim, đột quỵ và loạn nhịp tim.

Đàn ông tự phụ dễ mắc bệnh tim mạch

Một số biểu hiện của tính tự phụ đẩy cao hàm lượng cortisol trong máu, về lâu dài dễ gây các bệnh tim mạch ở nam giới.

- Tính tự phụ không chỉ gây nhiều bất lợi cho nam giới trong quan hệ xã hội mà còn khiến họ dễ mắc các bệnh tim mạch.

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan và Virginia (Mỹ) khảo sát 106 sinh viên và phát hiện thấy một số biểu hiện của tính tự phụ đẩy cao hàm lượng hoóc-môn stress cortisol trong máu, ngay cả khi họ không bị đặt trong tình huống căng thẳng.

Các đối tượng tham gia, gồm 79 nữ giới, 27 nam giới, trung bình 20 tuổi, được yêu cầu hoàn thành một bản gồm 40 câu hỏi khảo sát, tập trung vào 5 biểu hiện của tính tự phụ.

Các nhà khoa học tiến hành đo hàm lượng cortisol của từng người thông qua 2 mẫu nước bọt lấy ở hai thời điểm khác nhau, trong đó đảm bảo các thành viên không bị căng thẳng.
Một số biểu hiện của tính tự phụ đẩy cao hàm lượng cortisol trong máu, về lâu dài dễ gây các bệnh tim mạch ở nam giới.
Một số biểu hiện của tính tự phụ đẩy cao hàm lượng cortisol trong máu, về lâu dài dễ gây các bệnh tim mạch ở nam giới.


Kết quả cho thấy ở nam giới có các biểu hiện không lành mạnh của tính tự phụ như lợi dụng và lộng quyền, hàm lượng cortisol trong cơ thể tăng cao. Tuy nhiên, hiện tượng tương tự không xuất hiện ở nữ giới.

Theo các nhà khoa học, hàm lượng cortisol quá cao trong trường hợp này biểu hiện việc hệ thống đáp ứng stress của cơ thể hoạt động liên tục không cần thiết. Việc này về lâu dài sẽ đẩy cao nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

“Mặc dù những người tự phụ thường tỏ ra rất tự mãn về bản thân nhưng trên thực tế, họ đang cố che giấu sự tự ti và thường sử dụng các chiến lược phòng thủ như tỏ thái độ giận dữ hay gây hấn khi ý thức về thế mạnh của mình bị đe dọa. Chính điều này làm tăng huyết áp và mức độ phản ứng của hệ tim mạch với stress”, Chuyên gia tâm lý học Sara Konrath, đồng tác giả nghiên cứu nhận định.

Tuy nhiên, hiện tượng này phổ biến hơn ở nam giới bởi một số quan niệm xã hội như nam giới nên có chút kiêu ngạo và áp đặt. Những người đàn ông áp dụng máy móc khuôn mẫu này và tự phụ thái quá đều cảm thấy đặc biệt căng thẳng.

(Theo Live Science, Medical News Today)

Tập luyện thể dục thể thao với người bệnh động mạch vành


Bệnh động mạch vành rất nguy hiểm và đặc biệt là rất dễ mắc khi ít vận động, hút thuốc lá và cao huyết áp. Khoảng 82% người tử vong vì bệnh mạch vành tim. Đó là một con số không nhỏ. Thế nhưng khi đã bị bệnh rồi, nếu biết tập thể thao một cách khoa học thì chắc chắn nguy cơ sẽ được đẩy lùi.

Bệnh tim mạch vành và thể thao

Bệnh tim mạch vành là tên gọi cho một số bệnh tim do mạch máu vành tim bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Các tên gọi khác của bệnh này là bệnh mạch vành, bệnh động mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo các nhà khoa học, những người mắc bệnh động mạch vành nên tham gia tập luyện TDTT.

Những môn thể thao thích hợp sẽ giúp tăng cường cung cấp dưỡng khí cho cơ tim, thúc đẩy cơ tim hình thành vòng tuần hoàn nhánh và tăng lượng huyết lưu của tuần hoàn nhánh, đồng thời, những bài tập phù hợp cũng giúp cơ tim giảm thiểu lượng dưỡng khí tiêu hao, tăng khả năng phản ứng của hệ thống tuần hoàn máu, giúp cải thiện quá trình thay thế chất béo, giảm thấp nồng độ cholesterol trong máu; làm bệnh nhân cảm thấy tinh thần sảng khoái, bớt chú ý đến bệnh tật, phát huy các nhân tố tích cực nội tại của người bệnh, từ đó giảm bớt hoặc giảm nhẹ nguy cơ đau tim.

Tập thể dục thể thao thường xuyên phòng tránh được nhiều bệnh
Tập thể thao một cách khoa học

Trước tiên, cần nắm vững tình trạng bệnh tật của chính mình. Những trường hợp mắc bệnh động mạch vành tim được phép tham gia hoạt động TDTT là: huyết áp tăng, điện tâm đồ có dấu hiệu nghi ngờ hoặc dương tính; Tiến hành điện tâm đồ vận động cho kết quả dương tính nhưng không cần thiết phải dùng thuốc ngừa đau tim; Bệnh đau tim đã bước đầu bị khống chế, không cần uống thuốc hoặc về cơ bản không dùng thuốc ngừa đau tim; Người bị nhồi máu cơ tim cấp tính đang trong giai đoạn hồi phục, bệnh tình đã ổn định và dần dần thuyên giảm. Những trường hợp nói trên có thể tập luyện với lượng vận động vừa phải và tiến hành theo chỉ dẫn của các bác sĩ.

Những bệnh nhân thể trạng yếu có thể tập các môn như đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp, bơi... theo phương thức: cứ luyện tập 30 giây đến vài phút thì lại tạm nghỉ thời gian bằng hoặc dài gấp đôi khi tập, tiếp tục lặp đi lặp lại như vậy cho tới khi tổng thời gian tập luyện khoảng trên dưới 40 phút. Tiến hành như vậy cho đến khi thể lực được tăng cường mới lại kéo dài hơn thời gian tập luyện.

Bạn cần đảm bảo thực hiện tốt khâu khởi động và hồi tĩnh. Nếu chưa khởi động tốt đã tiến hành luyện tập với cường độ lớn sẽ dễ bị thiếu máu cơ tim dẫn đến đau tim. Cũng tương tự như vậy, nếu chưa hồi tĩnh đã dừng hoạt động đột ngột cũng làm tim khó thích nghi ngay, thậm chí gây ra những phản ứng xấu. Cần chú ý phản ứng của nhịp tim và huyết áp. Nên tiến hành đo nhịp tim và huyết áp trước mỗi lần vận động, trong khi tập luyện với lượng vận động cao nhất và 2 phút sau khi dừng tập (đếm mạch đập trong 15 giây rồi nhân với 4), lấy đó làm các chỉ tiêu để đánh giá lượng vận động với phản ứng của cơ thể.

Cần lên kế hoạch tập luyện và ghi chép nhật ký luyện, lượng vận động và cảm giác của chính mình... làm cơ sở điều chỉnh và tổng kết kinh nghiệm, để việc tập luyện phát huy hết tác dụng, giúp sức khỏe ngày càng được tăng cường.

Những nhân tố khiến huyết áp thay đổi đột biến

Dưới ảnh hưởng của nhịp sinh học, mọi tiến trình thần kinh, nội tiết, biến dưỡng… không bao giờ vận hành theo kiểu một ngày như mọi ngày. Nếu nói riêng với hệ tim mạch, huyết áp không có trị số cố định nếu so sánh kết quả đo đạc vào buổi sáng với buổi chiều. Cũng chính vì thế mà người bệnh huyết áp khó tránh những thời điểm nhạy cảm khiến bệnh có thể trở thành nghiêm trọng.

Tăng huyết áp vì ăn trưa quá nhanh

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tai biến mạch máu não dễ xảy ra “đúng giờ ngọ”. Không có gì khó hiểu vì:

- Huyết áp có khuynh hướng nhích lên trong khoảng từ 11g - 13g. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa dưới ảnh hưởng của trời nắng gắt. Khi ghi nhận nhiệt độ cao của môi trường bên ngoài, cơ thể phản ứng bằng cách trương (giãn) mạch ngoài da đồng thời đổ mồ hôi để thoát nhiệt bên trong cơ thể. Vì phản ứng giãn mạch ngoài da kéo dài quá lâu nên lượng máu ra da càng lúc càng nhiều. Hậu quả là nhiều nơi khác khó tránh thiếu máu, nghĩa là sớm muộn cũng kéo theo thiếu dưỡng khí. Nếu xảy ra ở thành tim, ở não bộ thì nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.


- Bên cạnh đó, không thiếu người có chế độ dinh dưỡng đúng nhưng vẫn bị tăng mỡ trong máu. Đã vậy lại là loại chất béo gây xơ vữa mạch máu như triglyceride! Nhiều người đã được điều trị bằng thuốc đặc hiệu nhưng hiệu quả không như mong muốn. Cũng may là thầy thuốc đã phát hiện nguyên nhân gắn liền với nếp sinh hoạt. Đó là vì bữa cơm trưa ăn quá nhanh khiến giờ ăn biến thành stress và dẫn đến phản ứng của tuyến thượng thận gây rối loạn biến dưỡng chất béo. Nên thêm 10 phút cho bữa cơm trưa tăng phần thư giãn để phòng bệnh.

Máu quá đậm đặc vì thiếu giấc ngủ trưa

Mạch máu không vô cớ bỗng tắc nghẽn làm chi rồi sinh tai biến mạch máu não, rồi gây hoại tử cục bộ trên thành tim đến độ nhồi máu cơ tim.

Đáng tiếc, vì bên cạnh việc dùng thuốc còn có cách khác đơn giản hơn nhiều để “hoạt huyết” mà khỏi lo phản ứng phụ. Thầy thuốc đã biết từ lâu về công năng đa dạng của giấc ngủ trưa, từ tác dụng thư giãn bước qua khả năng tổng hợp kháng thể, đến độ đặt tên là giấc ngủ năng lực (power sleep). Chẳng những thế, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh là máu có độ loãng lý tưởng sau giấc ngủ trưa.

Điểm lợi của giấc ngủ trưa là không cần nhiều, thường không hơn 30 phút đã đủ để có tác dụng như mong muốn. Nhưng nếu thuốc nào cũng có tác dụng phụ thì ngủ trưa cũng thế. Đừng ngủ trưa trễ hơn 15 giờ vì khi đó giấc ngủ trưa chính là lý do dẫn đến rối loạn nhịp sinh học khiến gia chủ khó ngủ về đêm.

Đừng quên nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não vẫn trước sau là lý do khiến bệnh tim mạch đứng đầu trên bảng tỷ lệ tử vong. Đáng nói là phía sau hai căn bệnh đó hầu như bao giờ cũng có bàn tay phá hoại ngấm ngầm của bệnh tăng huyết áp.

BS. Lương Lễ Hoàng (Trung tâm Điều trị ôxy cao áp - TP.HCM)

Can thiệp phình mạch chủ ngực bằng stent graft


Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp thành công một trường hợp phình động mạch chủ (ĐMC) ngực rất lớn bằng dụng cụ stent graft. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật đặt stent graft được ứng dụng tại BV Đại học Y Hà Nội.

Một bệnh nhân phình ĐMC kỷ lục

Bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn C., 55 tuổi (Hà Nội), phát hiện chứng viêm tắc động mạch từ năm 1988. Bệnh tiến triển làm anh hoại tử, rụng mất 2 đốt ngón chân trái. Năm 1996, anh mổ cấp cứu phình ĐMC bụng tại BV Việt Đức, được cắt đi đoạn phình và thay bằng đoạn mạch khác. May mắn được cứu sống nhưng anh vẫn biết mình không thể như một người bình thường, đi một đoạn ngắn là đã mệt, hụt hơi, chân mỏi rã rời không bước nổi. Mọi sinh hoạt đều rất nhẹ nhàng, từ tốn. Trước Tết Nhâm Thìn, anh lại thấy đau vùng bụng như người đau dạ dày, ăn vào là khó chịu, không ăn uống được nhiều. Anh đến Bệnh viện Bưu điện khám dạ dày, kết quả không phải anh mắc bệnh dạ dày. Các bác sĩ siêu âm tim và mạch máu phát hiện thấy ĐMC phình 2 chỗ, chỗ dưới phình 5,5cm; chỗ trên 8,6cm. Anh được các bác sĩ BV Bưu điện gửi ngay đến BV Việt Đức để mổ cấp cứu. Tại BV Việt Đức, sau khi hội chẩn, các bác sĩ khuyên anh nên đến Trung tâm Tim mạch để được can thiệp kịp thời. “Các bác sĩ giải thích cho tôi vì lần trước mổ ở Việt Đức là bị tắc ĐMC bụng, phẫu thuật dễ dàng hơn; hiện tại, bị phình ĐMC ngực, nếu phẫu thuật sẽ khó và lâu hơn, vậy là tôi được chuyển đến đây và chỉ sau tiếng rưỡi đồng hồ tôi đã được cứu sống” - BN C. cười và nói với tôi như vậy sau những giây phút các bác sĩ đã giành giật với tử thần để đưa anh trở lại cuộc sống.

Bệnh nhân Nguyễn Văn C. ngay sau khi được can thiệp đặt stent graft.
Rút ngắn 1/8 thời gian cứu sống bệnh nhân

TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp can thiệp cho BN C. cho biết: BN C. bị phình ĐMC do bệnh lý thành mạch. ĐMC là động mạch lớn nhất, đưa máu từ tim đi nuôi hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Thông thường, đường kính của ĐMC bụng khoảng 2cm. BN C. có chỗ phình to nhất chiếm kỷ lục xấp xỉ 10cm, nguy cơ tử vong rất cao vì ĐMC có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Phình ĐMC là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao (80%). Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình bóc tách ĐMC được phát hiện ngày càng nhiều. Bệnh hay gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, do bất thường về gen, do nhiễm khuẩn hoặc do chấn thương…

Nguy hiểm của bệnh là gây thiếu máu cho toàn bộ cơ thể khiến các cơ quan bị suy yếu, gây thiếu máu não, tủy, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh gần như không có triệu chứng. Bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua chụp phim tim phổi.

Trước đây, giải pháp điều trị phình ĐMC là phẫu thuật (thay đoạn mạch bị phình tách bằng một mạch nhân tạo). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khi áp dụng phương pháp này còn khá cao và có thể có khá nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thận và ruột… Với kỹ thuật đặt stent graft (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc) vào ĐMC, các bác sĩ đã tạo cơ hội sống cho những bệnh nhân bị phình tách thành ĐMC mà khó tiến hành phẫu thuật. ThS.BS. Lê Văn Tú - Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y, người cùng tham gia kíp phẫu thuật cho biết: Đây là một thủ thuật được phối hợp chặt chẽ của các ê-kíp ngoại khoa, nội khoa và gây mê hồi sức. Sau khi chụp ĐMC xác định kích thước chỗ phình cụ thể, ThS.BS. Vũ Ngọc Tú - Khoa phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành bộc lộ động mạch đùi trái sau đó đưa stent graft ĐMC qua vết rạch động mạch đùi trái lên ĐMC ngực, đặt ở vị trí trên động mạch thân tạng. Thả stent graft, chụp kiểm tra lại, động mạch thân tạng không bị chèn ép, rút toàn bộ hệ thống, hoàn tất quá trình đặt stent graft. “Lúc này, dụng cụ sẽ có tác dụng như một hàng rào vững chắc bảo vệ thành ĐMC, giảm nguy cơ bị vỡ ĐMC” - TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu giải thích thêm.

Một điều đặc biệt nữa là ca can thiệp lần này, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp gây tê đám rối thần kinh đùi do PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Trưởng khoa Gây mê, BV Đại học Y trực tiếp thực hiện thay cho phương pháp gây mê nội khí quản trước kia, BN tránh được các nguy cơ về hô hấp trước, trong và sau khi can thiệp.

3 ngày sau can thiệp, bệnh nhân cảm thấy bình thường, không đau bụng, đau ngực, vết mở động mạch đùi cũng rất tốt. Bệnh nhân chụp lại CT scan ĐMC bụng sau đó và ra viện.

Giảm hơn 3 lần chi phí

So với phương pháp mổ truyền thống, kỹ thuật đặt stent graft vào ĐMC sẽ giúp giảm biến chứng và bệnh nhân chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn, đồng thời, kỹ thuật này cũng mở ra triển vọng mới để điều trị cho các BN bị phình tách ĐMC ngay ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều lần so với nước ngoài (chỉ bằng 1/3 kinh phí điều trị).

BV Đại học Y Hà Nội là đơn vị thứ 2 sau Viện Tim mạch Quốc gia hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật can thiệp phình ĐMC ngực do các bác sĩ Việt Nam thực hiện. Thành công này đã góp thêm một địa chỉ tin cậy cho các BN mắc các bệnh lý mạch nguy hiểm; khẳng định bước tiến mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch của các bác sĩ Việt Nam...

Bệnh tăng huyết áp ở nước ta đang tăng nhanh

Thông tin tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai mô hình quản lý, theo dõi và điều trị có kiểm soát bệnh tăng huyết áp (THA) diễn ra ngày 3/3, GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh THA ở nước ta tăng rất nhanh (từ 1,9% năm 1976 với dân số trưởng thành miền Bắc thì đến năm 2008 đã tăng lên đến 25,1% dân số ở độ tuổi trên 25 trong cả nước), tuy nhiên, tỷ lệ người bị THA được điều trị đúng còn rất thấp. Với dân số hiện nay khoảng 87 triệu người, Việt Nam ước tính có khoảng 7,3 triệu người bị THA và nếu không có biện pháp dự phòng, quản lý hữu hiệu thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 11 triệu người Việt Nam bị THA.
Facebook Twitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này

Theo BS. Viên Văn Đoan - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai, THA là nguy cơ của bệnh tim (động mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim), tai biến mạch máu não, suy thận… Tỷ lệ các tai biến do THA với một số bệnh cao như: tai biến mạch máu là 47,6/100.000 dân (khoảng 40.000 trường hợp bị tai biến mạch máu/năm), nhồi máu cơ tim là 7,62/100.000 dân (gần 7.000 trường hợp bị nhồi máu cơ tim/năm)…

Bị bệnh tim có được mang thai?


Trong một số trường hợp, phụ nữ mắc bệnh tim mạch không được có thai và nếu có thai phải được bác sĩ (BS) theo dõi sát sao.

Trong thai kỳ, tim phải tăng cường hoạt động

Trong thai kỳ, những thay đổi sinh lý ảnh hường đến hệ tim mạch, bắt tim phải tăng cường hoạt động.

- Tăng khối lượng máu: trong 3 tháng đầu, khối lượng máu tăng đến 40 - 50% tổng lượng máu khi chưa có thai và duy trì suốt thai kỳ.

- Tăng cung lượng tim: cung lượng tim là khối lượng máu được tim bơm ra mỗi phút, sẽ tăng lên 30 - 40% do tăng khối lượng máu.

- Tăng nhịp tim: trong thai kỳ, nhịp tim sẽ tăng lên 10 - 15 lần/phút.

- Giảm huyết áp: một số thai phụ có hiện tượng giảm huyết áp 10mmHg trong thai kỳ, do thay đổi nội tiết tố và tăng lượng máu đến tử cung. Tình trạng này thường không phải điều trị gì, nhưng cần theo dõi.
Những thay đổi trên nhằm cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho bào thai. Tim bình thường có thể thích nghi với các thay đổi này trong khi tim mắc bệnh có thể bị quá tải. Chúng có thể khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nhức đầu nhẹ trong suốt thai kỳ. Vì vậy, có một số người mẹ không biết mình mắc bệnh tim mạch cho đến khi có thai.

Mắc bệnh tim mạch, cần tham khảo ý kiến BS khi muốn có thai

Phụ nữ mắc bệnh tim mạch cần nhớ rằng, việc tham khảo ý kiến BS khi muốn có thai là cần thiết và hữu ích. BS giúp đánh giá và giải thích tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, có cần điều trị bệnh ổn trước khi có thai không, có cần dùng thuốc hoặc cách thức điều trị nào trong thai kỳ không…? Việc tìm hiểu và chuẩn bị kỹ trước khi có thai hoàn toàn không dư thừa.

Tùy theo tình trạng sức khỏe và bệnh tim mạch đang có mà người mẹ gặp các nguy cơ khác nhau trong thai kỳ.

Thậm chí, một số tình trạng bệnh lý quá nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ khi mang thai như: tăng áp động mạch phổi nặng, bệnh cơ tim giãn nở có suy tim, hội chứng Marfan có giãn động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh tím, hẹp khít van hai lá, hẹp van động mạch chủ nặng. Với các bệnh lý này, BS có thể khuyến cáo bệnh nhân tránh có thai hoặc gián đoạn thai kỳ.

Cần nhớ rằng, bất cứ loại thuốc nào sử dụng trong thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Để điều trị bệnh tim mạch, người mẹ có thể đang dùng một số thuốc.

Chính vì vậy, nếu biết người mẹ muốn có thai, BS sẽ cung cấp một chế độ điều trị an toàn nhất, chỉnh liều hoặc sử dụng thuốc thay thế… Người mẹ không nên tự ý dùng thuốc, ngưng thuốc hoặc chỉnh liều thuốc.

Thai kỳ ở phụ nữ mang van tim cơ học

Người mang van tim cơ học phải uống thuốc kháng đông sintrom mỗi ngày đến suốt đời để làm “loãng” máu, tránh tạo cục máu đông khi dòng máu đi qua van cơ học. Việc uống thuốc này phải có sự theo dõi của BS, vì nếu thuốc chưa đủ liều hoặc quá liều đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Do phụ nữ có thai có tình trạng tăng khối lượng máu nên dễ hình thành cục máu đông hơn bình thường. Vì thế, phụ nữ mang van tim cơ học mà có thai dễ bị biến chứng tắc van do cục máu đông.

Mặt khác, sintrom có thể đi qua nhau thai nên dùng trong thai kỳ sẽ nguy hiểm: có nguy cơ gây dị dạng thai nhi trong 3 tháng đầu, gây cho mẹ nguy cơ xuất huyết và sảy thai trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Chính vì vậy, BS có chiến lược sử dụng thuốc kháng đông áp dụng cho thai phụ mang van tim cơ học để đảm bảo van không bị tắc bởi huyết khối, không gây nguy hiểm cho thai nhi và thai phụ trong thai kỳ.

Tóm lại, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có mang van tim cơ học cần ghi nhớ:

- Khi dùng sintrom phải có kế hoạch ngừa thai, có thể dùng thêm thuốc ngừa thai.

- Nếu muốn có thai phải đến gặp BS để được đổi thuốc kháng đông khác ngoài sintrom.

- Trong thai kỳ, tuyệt đối tuân theo chế độ điều trị kháng đông của BS tim mạch. Thai phụ phải khám thai định kỳ để BS sản khoa theo dõi sức khỏe của thai nhi và mẹ, siêu âm phát hiện có hay không dị tật thai nhi.

Giữ sức khỏe cho mẹ là giữ sức khỏe cho con

Khi mang thai, phụ nữ có bệnh tim mạch cần lưu ý chăm sóc sức khỏe bản thân. Điều này cũng mang lại ích lợi cho thai nhi. Một số biện pháp cần áp dụng:

- Trong thai kỳ, người mẹ phải khám thai theo đúng lịch để theo dõi và xử trí kịp thời các biến cố, uống thuốc theo đúng toa điều trị.

- Thường xuyên nghỉ ngơi, tránh các hoạt động thể lực nặng.

- Theo dõi cân nặng: người mẹ tăng cân theo sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên, tăng cân quá nhiều là một gánh nặng cho tim.
- Ngừa huyết khối: khi ngồi, tránh thói quen bắt chéo chân, nên thay đổi tư thế thường xuyên, luân phiên co duỗi 2 chân, thỉnh thoảng đi lại để máu dễ hồi lưu về tim. Mang vớ y khoa bó chân cũng là một biện pháp tốt.

- Giữ ấm: thời tiết quá nóng hay độ ẩm quá cao làm giãn mạch máu khiến tim phải tăng cung cấp máu.

- Cố gắng kiềm chế các cảm xúc như: lo lắng, xúc động…

- Không uống rượu, không hút thuốc lá và không dùng thực phẩm có tính kích thích.
- Việc sinh con với người mẹ mắc bệnh tim mạch là sự kiện có nguy cơ cao nên cần sinh con tại một cơ sở y tế đủ điều kiện theo dõi và xử trí trong quá trình chuyển dạ.