Tin vào những lời quảng cáo “hoành tráng”, tới tấp trong “khung giờ vàng” trên truyền hình, sóng phát thanh về chất lượng “không ai sánh kịp” từ các phòng khám Trung Quốc, nhiều người đã dốc hầu bao những mong bệnh tình được chữa trị.
Phòng khám hù người bệnh
Xấp hóa đơn thống kê chi phí hơn một tuần điều trị, tốn gần 40 triệu đồng của chị Đ.H.M. cùng hộp thuốc toàn chữ Trung Quốc được bán tại phòng khám Maria (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Hà
Không ngờ tiền mất tật mang, vài chục triệu đồng được chi ra cho mỗi ca bệnh mà kết quả hoàn toàn không như mong muốn...
4 triệu thành 40 triệu
Nếu người bệnh không chuẩn bị đủ tiền cho lần điều trị đầu tiên, một số phòng khám sẽ “vui vẻ” giữ lại chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ ra vào cơ quan...
Đầu tháng 7, chị Đ. H.M. (23 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) - du học sinh ngành kiến trúc tại Pháp - về Việt Nam nghỉ hè. Kỳ nghỉ ngắn ngủi chưa đầy hai tuần khiến bà P. - mẹ chị M., cuống lên tìm địa chỉ điều trị bệnh trĩ cho con gái càng nhanh càng tốt.
Thấy phòng khám Maria tại Thái Thịnh, Hà Nội quảng cáo “điều trị dứt điểm chỉ trong một lần”, bà P. mừng quýnh. “Đài phát thanh, truyền hình, rồi mấy chục biển quảng cáo cỡ to chạy dọc đường Láng chỉ với nội dung đó khiến tôi tin tưởng tuyệt đối. Ngày 12-7, tôi đưa con đến điều trị. Được biết chi phí phẫu thuật chỉ 4,2 triệu đồng” - bà P. kể.
Nhưng sau phẫu thuật, chị M. lập tức được chỉ định truyền kháng sinh “phòng trừ viêm nhiễm”, rồi “điều trị bằng bước sóng ngắn” với chi phí phát sinh thêm hơn 3 triệu đồng. Bất ngờ là được quảng cáo không đau, không phải nằm viện, nhưng ngay khi từ phòng truyền ra, chị M. ngất lịm, phải nằm lưu lại phòng khám thêm một đêm. Hơn một tuần sau đó, chị M. đến phòng khám đều đặn để truyền thuốc, rồi điều trị sóng ngắn với chi phí trung bình 3 triệu đồng/ngày. Cho đến khi phải rút hầu bao gần 40 triệu đồng mà cô con gái vẫn kêu đau, bà P. mới ngã ngửa rằng mình bị “chém đẹp”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Trang, quản lý phòng khám Maria, cho biết giá điều trị ở phòng khám Maria còn tùy cơ địa từng người, có loại thuốc dùng cho người này phù hợp nhưng với người khác không hợp. Thông thường bệnh nhân viêm lộ tuyến cổ tử cung chi phí 15-20 triệu đồng, phẫu thuật cắt trĩ chi phí 6 triệu đồng/thủ thuật và điều trị thuốc (kháng sinh) kết hợp sóng cao tần thêm 2 triệu đồng/ngày/bệnh nhân phẫu thuật trĩ, số ngày điều trị cũng “tùy theo cơ địa”.
Quảng cáo quá mức, bệnh nhân lãnh đủ
Hôm 16-8, anh Đ.V.L., 33 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội đã vào Bệnh viện Tràng An, Hà Nội trong tình trạng chảy máu nhiều ở vùng hậu môn, sợ sệt, không ăn được, huyết áp tụt. Bệnh nhân ngất ngay khi vào đến bệnh viện. Theo bác sĩ Mùi Quý Chiến (Bệnh viện Tràng An), bệnh nhân được mổ cắt trĩ trước đó bảy ngày cũng tại phòng khám Maria với chi phí 21,6 triệu đồng. “Toàn bộ hậu môn bệnh nhân bị loét, chảy máu nhiều, phải dùng dao điện và khâu cầm máu. Trước đó, hôm 13-8, chúng tôi cũng tiếp nhận một bệnh nhân 65 tuổi ở Hải Dương, bị viêm hậu môn sau mổ trĩ tại phòng khám 709 đường Giải Phóng. Kiểm tra thấy vết mổ sưng đau, loét vết cắt, cắt chưa hết búi trĩ. Trường hợp này một tháng nữa vết mổ mới lành hẳn”- bác sĩ Chiến cho biết.
Theo GS Nguyễn Mạnh Nhâm, chủ tịch Hội Hậu môn - trực tràng học, gần đây có nhiều quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh về dịch vụ “điều trị trĩ 15 phút không đau, không chảy máu”, trong khi người dân rất tin tưởng thông tin đài báo cung cấp nên đến điều trị rất đông, mà không biết rằng vùng hậu môn là vùng nhạy cảm, cần chú ý khi điều trị vì bệnh nhân sẽ đau.
Ngay tại thời điểm phóng viên Tuổi Trẻ đi tìm hiểu về các ca tai biến sau mổ trĩ tại các phòng khám tư ở Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng (Bệnh viện Việt Đức) vừa cấp cứu một ca biến chứng hẹp hậu môn sau điều trị trĩ bằng “sóng cao tần” tại phòng khám tư trên phố Thái Thịnh. “Điều làm tôi bức xúc nhất là dịch vụ điều trị bằng sóng cao tần không đắt đỏ nhưng bệnh nhân phải chi hàng chục triệu đồng”- PGS Hùng nói.
Theo PGS Hùng, không thể có chuyện điều trị trĩ “15 phút” như quảng cáo, vì mức độ bệnh khác nhau, chỉ định điều trị khác nhau, riêng mức độ 3-4 lại có 5-7 loại khác nhau, chưa kể tỉ lệ tái phát sau điều trị ở một số nhóm bệnh trĩ lên đến 50%. Qua so sánh của phóng viên Tuổi Trẻ về giá mổ trĩ ở bệnh viện và các phòng khám tư đang được quảng cáo giội bom, điều bất ngờ là giá điều trị (cùng phương pháp) ở phòng khám cao hơn 30% so với bệnh viện. Đáng nói là các phòng khám này chuyên trị các dịch vụ “khó nói” như trĩ, phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình..., nên khi có tai biến bệnh nhân thường rất ngại ngần tố cáo lên cơ quan chức năng.
Theo một bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, trong vòng ba tháng qua ông đã gặp hơn 30 ca biến chứng sau mổ trĩ tại các phòng khám Trung Quốc trên địa bàn Hà Nội đến nhờ ông điều trị. Các bệnh nhân chủ yếu gặp biến chứng đau nhiều sau mổ, nhiễm trùng vết thương, thời gian sau phẫu thuật quá lâu mà không thấy phục hồi...
Sẽ giảm giá dịch vụ
Trả lời về việc hai bác sĩ người Trung Quốc của phòng khám Maria vừa bị Sở Y tế Hà Nội dừng hành nghề vì chưa có giấy phép làm việc, ông Thái Quốc Sâm, giám đốc điều hành phòng khám Maria, cho biết do thời gian làm giấy tờ cho mỗi bác sĩ Trung Quốc mất 3-6 tháng, nên cứ đưa bác sĩ sang “làm thử” xem có phù hợp công việc ở VN không. Tuy nhiên do Sở Y tế dừng hành nghề, các bác sĩ này đã về nước. Theo ông Sâm, vừa qua đã có sáu bác sĩ Trung Quốc của phòng khám về nước.
Về việc giá khám chữa bệnh quá cao, ông Sâm cho rằng giá này áp dụng giá “sàn” ở Trung Quốc, nhưng do có nhiều bệnh nhân phản ứng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu gửi giá dịch vụ cho nơi này xem xét, nên tới đây nếu Sở Y tế chấp thuận, phòng khám Maria sẽ giảm giá dịch vụ xuống còn... 1/3 so với hiện hành!
Trước đó, ngày 30-8, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với đại diện phòng khám Maria, yêu cầu giải trình về trường hợp một nữ công nhân khiếu nại sau bốn ngày điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung tại phòng khám, chi phí hết 12 triệu đồng, nếu điều trị hết lộ trình tổng chi phí khoảng 40 triệu đồng. Trong khi bệnh nhân tới điều trị tại một bệnh viện gần đó, khỏi bệnh chỉ mất khoảng 500.000 đồng tiền thuốc. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu phòng khám Maria trả lại một phần chi phí đã thu cao quá đáng cho bệnh nhân.
TP.HCM: nhiều phòng khám Trung Quốc có sai phạm
Phòng khám Trung Quốc, cơ sở y học cổ truyền có người Trung Quốc hành nghề khám chữa bệnh đã có mặt và hoạt động gần mười năm nay tại TP.HCM. Tháng 5-2004, báo Tuổi Trẻ từng có thông tin về việc thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiến hành thanh tra sáu phòng chẩn trị có bác sĩ Trung Quốc khám bệnh tại TP. Sở Y tế đã xử phạt hai phòng khám Trung Quốc ở Q.1 và Q.Bình Thạnh 19 triệu đồng vì có sai phạm.
Năm 2010 báo Tuổi Trẻ cũng có bài viết về phòng khám phụ khoa Trung Quốc ở đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận) khám bệnh “hù” bệnh nhân. Gần đây một số phòng khám Trung Quốc vẫn tiếp tục quảng cáo “dụ” bệnh nhân và hành nghề quá chức năng cho phép. Ví dụ phòng khám đa khoa Trung Nam ở Q.11 quảng cáo phẫu thuật chỉnh hình màng trinh bằng nhiều phương pháp, phẫu thuật phá thai “một cách nhẹ nhàng”...
Nguồn trang: từ tác giả NGỌC HÀ - LAN ANH (Báo tuổi trẻ ra ngày 01/09/2011
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/453856/Mat-tien-benh-van-con-nguyen.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét