80% bệnh nhân đái tháo đường tử vong là do biến chứng tim mạch

Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, Bộ Y tế đã phối hợp với Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Dinh Dưỡng TPHCM tổ chức mít tinh kêu gọi người dân cùng quan tâm ngăn chặn sự gia tăng của bệnh đái tháo đường vào sáng12/11.

Bệnh đái tháo đường và những biến chứng tim mạch nghiêm trọng có thể được tầm soát nếu như có những biện pháp can thiệp đúng đắn.



Tại ngày hội, người dân đã được các bác sĩ tư vấn về dinh dưỡng và sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp giúp ổn định đường huyết, kiểm soát đường huyết và cách phòng chống bệnh đái tháo đường. Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng TPHCM cho rằng: "Để phòng tránh bệnh này thì cần phải nhấn mạnh thông điệp đầu tiên là phòng tránh từ khi còn trẻ, duy trì lối sống lành mạnh bằng cách: ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng hợp lí, tăng cường vận động thể lực, duy trì cân bằng trong tâm lí của chúng ta".

Theo ước tính, trên toàn thế giới hiện có trên 243 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 430 triệu người, tăng 47%. Tính đến nay, Việt Nam cũng đã có 4,5 triệu người mắc bệnh lý này và với xu hướng ngày càng trẻ hóa. Có đến 65% bệnh nhân đái tháo đường khi phát hiện có biến chứng nặng nề do bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh đái tháo đường có thể làm tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể như tim mạch, mắt và thận. Nguy cơ bị tai biến mạch máu não ở người đái tháo đường được ước tính cao gấp bốn đến sáu lần so người cùng độ tuổi không bị bệnh.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường: Hiện có gần 80% bệnh nhân mắc đái tháo đường tử vong là do biến chứng tim mạch, đột tử biến chứng suy tim, và 40% bệnh nhân phải chạy thận hiện nay là do đái tháo đường, bác sỹ Tiến cảnh báo: "Bản thân bệnh ĐTĐ gây ra tổn thương về bệnh tim không phải đơn thuần, biến chứng ĐTĐ gây tổn thương cả hệ thống mạch vành. Việc điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ có bệnh tim khó khăn hơn bệnh nhân tim mạch không có ĐTĐ. Chúng tôi cũng cánh báo là, người ĐTĐ có bệnh mạch vành tim, các biểu hiện lâm sàng hầu như không có".

Với mức độ tăng nhanh của các biến chứng đái tháo đường, kèm theo đó là các chi phí để điều trị cho những người bệnh này cũng gia tăng một cách chóng mặt. Thạc sĩ Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: "Điều đáng lo ngại hơn là 65% người bệnh không biết mình có bệnh. Tỉ lệ tiền ĐTĐ là 27%và là vấn đề nan giải, là gánh nặng của sự phát triển KTXH vì hậu quả nặng nề của bệnh do được phát hiện và điều trị muộn. Chi phí điều trị bệnh chiếm khoảng 3-6% ngân sách dành cho ngành y tế. Bệnh ĐTĐ có thể phòng ngừa, hạn chế được bằng các biện pháp tuyên truyền về dự phòng yếu tố nguy cơ, triển khai các công tác khám, tầm soát, điều trị và quản lý bệnh trong toàn xã hội".

Như vậy, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế thì rất cần sự tham gia tích cực của mọi người dân trong việc nâng cao ý thức và kiến thức trong phòng, chống bệnh đái tháo đường vì căn bệnh này hoàn toàn có thể tầm soát và hạn chế được thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động đều đặn sẽ góp phần làm giảm các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét