Ăn uống ngừa bệnh tim ở người cao tuổi


Bệnh tim ở nhóm người cao niên là rất nguy hiểm, nhưng nếu biết ăn uống cân bằng sẽ giảm thiểu nguy cơ làm gia tăng bệnh.

Phải nói ngay rằng bệnh tim, đặc biệt ở nhóm người cao niên là rất nguy hiểm, nhưng nếu biết ăn uống cân bằng và áp dụng lối sống khoa học sẽ giảm thiểu nguy cơ làm gia tăng bệnh và giúp cho con người sống vui, sống khỏe, trong đó có một số bí quyết bằng ăn uống dưới đây.

Hạn chế mỡ và cholesterol xấu
Trước tiên là hạn chế các loại mỡ bão hòa và mỡ trans-fat (mỡ chiên đi chiên lại). Nếu hạn chế được những chất béo này sẽ giúp hạn chế bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao do cholesterol xấu (LDL) tích tụ trong thành mạch máu và phát sinh cơn đột quỵ, đau tim do máu không lưu thông được lên tim, lên não.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA) thì nên sử dụng: mỡ bão hòa: không quá 7% tổng lượng calo/ngày; mỡ trans-fat: không quá 1% tổng lượng calo/ ngày; cholesterol: không quá 300mg/ ngày đối với người khỏe mạnh, không quá 200mg đối với người mắc bệnh mỡ máu cao hay hàm lượng LDL cao đang phải dùng thuốc giảm mỡ máu. Nên sử dụng các loại “mỡ thân thiện”, như mỡ chưa bão hòa đơn có trong dầu ô-liu, dầu thực vật, mỡ chưa bão hòa tổng hợp có trong các loại hạt như: vừng, lạc, đậu đỗ...

Sử dụng nguồn protein có hàm lượng mỡ thấp

Nhóm thực phẩm này bao gồm thịt nghèo (thịt nạc), cá, sản phẩm sữa mỡ thấp, lòng trắng trứng… Chú ý chọn thực phẩm có mỡ thấp như: sữa tách béo, thịt gà bỏ da, thịt bò, thịt cừu, cá các loại, đậu đỗ, nhất là đậu nành, đây là nhóm thực phẩm có thể cung cấp nguồn protein có hàm lượng mỡ thấp. Nhóm thực phẩm giàu protein cần tránh có sữa nhiều béo, nội tạng, lòng đỏ trứng, thịt nhiều mỡ, sườn lợn, thịt ba chỉ, thịt tẩm bột chiên, nội tạng động vật...

Tăng cường rau xanh hoa quả

Đây là nguồn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ rất có lợi cho hệ thống tim mạch cũng như sức khỏe chung của con người. Nên trọng tâm đến các loại rau xanh, hoa quả tươi, hoa quả đóng hộp ít muối, nước ép hoa quả đóng hộp. Hạn chế ăn dưa cà, rau xanh chế biến mặn, hoa quả đóng hộp... bởi có hàm lượng đường, muối cao.

Trọng tâm đến thực phẩm dạng hạt nguyên chất
Lợi thế của nhóm thực phẩm này là cung cấp chất xơ, dinh dưỡng có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm bệnh tim mạch và được xem là nhóm thực phẩm hữu ích cho những người mắc bệnh tim mạch. Một trong những thực phẩm đầu bảng là hạt lanh, vì nó có các loại acid béo omega-3 cao có tác dụng làm giảm cholesterol.

Nhóm thực phẩm dạng hạt nguyên chất nên ăn gồm có: bánh mì làm từ hạt mì nguyên chất (100%), ngũ cốc có hàm lượng chất xơ cao (5g/bát nhỏ), gạo nâu, ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, hạt lanh… Nhóm ngũ cốc nguyên hạt cần tránh như: bột mì trắng chế biến quá kỹ, gạo giã xát quá kỹ, những sản phẩm làm từ ngũ cốc đã qua chế biến, nướng rán quá kỹ.

Giảm muối trong khẩu phần ăn uống hàng ngày

Một trong những lợi thế của việc ăn nhạt, giảm muối là hạn chế nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. AHA khuyến cáo người lớn khỏe mạnh không nên ăn quá 2,3g muối/ngày (khoảng 1 thìa cà phê).

Nên tạo thực đơn cho từng ngày

Mỗi ngày nên tạo ra thực đơn cụ thể. Nếu dùng thực phẩm giàu calo, protein thì giảm thực đơn đạm khác. Ngoài ra, việc tạo ra những thực đơn đa dạng, linh hoạt còn giúp dễ ăn, ngon miệng, dễ tiêu hóa và có lợi cho sức khỏe.

Không nên kiêng khem quá mức
Cơ thể con người cần được cung cấp đầy đủ về mặt calo, dưỡng chất, nước mới có thể tồn tại được. Nếu kiêng khem quá mức có thể gây suy dinh dưỡng và lâu ngày cơ thể phát sinh bệnh tật.

Giới ẩm thực khuyến cáo mọi người không nên quá kiêng khem, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều, chỉ nên ăn vừa đủ, ở mức có lợi vì vậy có lúc người ta phải tự thưởng cho mình như uống một chén rượu nhỏ, một cốc bia, ăn dăm ba cái kẹo, hoặc ăn những món ưa thích với mức độ giới hạn sẽ làm tăng khoái cảm, giảm thèm mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét